Skip to main content

Người phụ nữ Tây Ninh sống ở gầm cầu bất ngờ nhận được số tiền như “trúng số” và ước nguyện của cậu con trai khờ

Màn đêm buông xuống, trên góc phố Sài Gòn vẫn còn không ít người mượn lề đường, vỉa hè, ghế đá, công việc, gầm cầu làm chỗ gả lưng, chìm vào giấc nồng sau ngày dài mưu sinh vất vả. Họ là những người vô gia cư, từ các miền quê nghèo “đổ về” nơi phồn hoa với hi vọng ăn đủ 3 bữa/ngày…

Tại một gầm cầu ở quận phát triển nhất nhì thành phố có gia đình 2 thành viên, gồm mẹ và con trai. Họ chọn nơi này làm chốn ở bởi cuộc sống mưu sinh, làm mãi chẳng đủ tiền để mướn căn phòng trọ nhỏ. “Mẹ con tôi từ Tây Ninh lên đây, cũng được vài năm nhưng cuộc sống vẫn khốn khó. Chúng tôi sống bằng nghề xin – nhặt ve chai ở quanh đây, ngày nào cũng đi từ sáng sớm cho đến chiều muộn mới quay trở về.



Tôi sinh được 2 người con, trong đó một đứa đã chết, gửi trên chùa; còn thằng Hiền dù đã hơn 4 chục tuổi nhưng không được nhanh nhẹn và thông minh như người ta. Vì thế tôi và nó cứ phải gắn liền với nhau như hình với bóng, mẹ đi đâu là con ở đó”, cô Tư – người phụ nữ đầu đã hai thứ tóc cho biết.

Cô Tư vốn là người gốc Tây Ninh, đất đai của gia đình cô ở đó vẫn còn. Cô “dắt” con trai lên Sài Gòn mưu sinh vì ở quê chẳng thể làm ăn hay kiếm sống được. Cô cho biết đất đai ở quê vẫn còn nhưng đó là vũng trũng, nước ngập cao… Do đó, hai mẹ con không thể canh tác trồng lúa hay hoa màu hoặc cứ trồng cây gì là cây đó bị nước ngập úng hết.



Hai mẹ con lựa chọn gầm cầu làm chỗ ngủ.

“Tôi cũng không thể bán mảnh đất đó. Đất là của ông bà tổ tiên để lại, làm sao mà dám bán chứ. Tôi thiết nghĩ cứ để ở đó, sau này già đi thì quay trở về với cội nguồn. Mẹ con tôi lên đây chẳng biết sống bằng nghề gì, đành đi nhặt ve chai thôi”, người phụ nữ chia sẻ.

Hằng ngày, cô Tư và anh Hiền chia nhau đi đôi ngả để kiếm sống. Cô sẽ đi bộ nhặt ve chai hoặc ai cho tiền thì xin. Còn anh sẽ đạp xe đạp quanh khu gầm cầu nhặt – mua ve chai, phế phẩm. “Ngày xưa ít người nhặt ve chai, hai mẹ con còn kiếm được chút đỉnh. Giờ nhiều người nhặt lắm, giá lại rẻ, giảm một nửa so với ngày trước dịch COVID-19 – khoảng 5.000 đồng/kg. Vì thế hai mẹ con nhặt được nhiều, bán cũng không được nhiều tiền đâu.



Thi thoảng tôi đứng ở ngã tư, người ta thương lại biếu tiền… Tôi không muốn nhận vì xấu hổ lắm nhưng họ cứ dúi vào tay, thậm chí có người ngày nào đi qua đó cũng cho tiền. Tôi biết họ thương mình nghèo khổ nhưng cảm giác buồn tủi làm sao”, cô Tư tâm sự.

Vừa dứt lời, người phụ nữ hướng ánh mắt sang cậu con trai lớn tuổi nhưng khờ khạo. Cô bảo bản thích luôn thích đi bán vé số nhưng không có tiền lấy hàng. Cô tính nếu bán vé số, người ta mua ủng hộ rồi biếu 10 nghìn cũng cảm thấy đỡ ngại ngùng.

“Ước mơ thôi chứ làm gì có tiền mà lấy hàng trăm tờ vé số về bán. Với nhiều người một triệu đồng chẳng đáng là bao nhưng với mẹ con tôi đó là cả gia tài đó. Mọi người thử nghĩ mà xem, chúng tôi đến bữa ăn cũng phải chạy vạy từng bữa thì làm sao có tiền triệu trong người”, người phụ nữ nói.



Nhìn cô Tư nhanh nhẹn và tươi tắn nhưng ít ai biết rằng cô cũng có lúc đau ốm triền miên. Cô kể xưa bị gãy tay phải bắt ốc ở xương để cố định, bó bột… Bác sĩ có nói phải mổ để lấy ốc ra nhưng vì hoàn cảnh mà cứ để đó. Giờ mỗi khi trái gió trở trời, cô thường cảm thấy đau nhức ở tay, chẳng thể cầm được vật gì nặng.

Khi hai mẹ con được một YouTuber giao số tiền 6.3 triệu đồng từ các mạnh thường quân. Cô Tư đã bật khóc nức nở. Cô chẳng thể ngờ có một ngày được cầm số tiền lớn như thế trong tay. Cô xúc động: “Giống như trúng số quá. Tôi thực sự biết ơn mọi người rất nhiều. Vài bữa trước, tôi nhặt được một tờ vé số và ước nguyện trúng số. Thằng Hiền nói rằng nếu trúng giải độc đắc, sẽ mua một mảnh đất nhỏ rồi đem hài cốt của họ hàng về chôn tại đó. Bởi hiện tại mộ phần của người thân đều mỗi người một nơi, lạnh lẽo lắm.



Nó còn nói rằng má chết con cũng chết theo. Tôi nghe mà nghẹn lòng, an ủi nó bằng cách bảo mày chết tao cũng thiết tha gì sự sống”.