Skip to main content

Cử tạ Việt Nam trước ngưỡng cửa Olympic 2020: Án phạt vẫn treo lơ lửng

Đô cử Vương Thị Huyền còn có cơ hội tích điểm giành vé tham dự Olympic Tokyo 2020.

Tuy nhiên, các đô cử Việt Nam có được đến Nhật Bản vào mùa hè này hay không còn phụ thuộc vào án phạt từ phía Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) sau lệnh cấm liên quan đến chất kích thích (doping).

2 đô cử đạt chuẩn Olympic

Giải vô địch cử tạ châu Á 2021, diễn ra vào trung tuần tháng 4 tại Uzbekistan được Liên đoàn Cử tạ thế giới tính thành tích vận động viên để tích điểm thứ hạng, trao vé trực tiếp dự Olympic Tokyo 2020. Đội tuyển Việt Nam có 3 lực sĩ góp mặt là Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền, Hoàng Thị Duyên.



Bước vào phần thi chung kết nhóm A hạng 59 kg nữ, Hoàng Thị Duyên thành công cả 3 lần cử giật với các mức tạ 95 kg, 98 kg và 100 kg. Thành tích 100 kg của Duyên xếp thứ 3 ở phần thi cử giật và đem về tấm HCĐ đầu tiên, khi đứng sau Luo Xiaomin (Trung Quốc, 102 kg) và Kou Hsing-chun (Đài Loan, Trung Quốc, 110 kg). Sang phần thi cử đẩy, Duyên đạt thành tích tốt nhất 116 kg ở lần cử thứ hai.

Trong lần cử cuối, ban huấn luyện đăng ký mức tạ 121 kg để Duyên nâng cao thành tích để tranh tấm HCB tổng cử. Tuy nhiên, cô không thành công ở mức cử này, tạm xếp hạng 5 nội dung cử đẩy.



Sau 2 nội dung thi, Duyên đạt tổng cử 216 kg và nhận tấm HCĐ thứ hai. Đô cử Kou Hsing-chun giành cả 3 HCV nội dung này, đồng thời phá kỷ lục thế giới với tổng cử 247 kg.

Hai tấm HCĐ của Hoàng Thị Duyên cũng là thành tích tốt nhất đoàn cử tạ Việt Nam giành được ở giải đấu này. Trước đó, Vương Thị Huyền xếp hạng 5 chung cuộc hạng 49 kg nữ, còn Thạch Kim Tuấn thất bại ở hạng 61 kg nam.

Trong 3 lượt cử giật, Thạch Kim Tuấn chỉ đạt kết quả tốt nhất là 128 kg tại lần cử thứ 2 sau khi thất bại ở mức tố 131 kg của lần 3. Phần thi cử đẩy, anh 3 lần rơi tạ, không đạt thành tích nên không tính tổng cử.



Sau giải đấu, ông Đỗ Đình Kháng, Phó Vụ trưởng thành tích cao II (Tổng cục TDTT) cho biết, Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên gần như cầm chắc tấm vé đến Olympic 2020.

Theo quy định, ở mỗi hạng cân, IWF sẽ chọn ra 8 VĐV tranh tài tại Nhật Bản và mỗi quốc gia sẽ chỉ được cử một VĐV tham dự. Ngoài ra, Triều Tiên, đoàn có thế mạnh về cử tạ và Thái Lan không tham dự Olympic lần này nên đó là cơ hội cho các đoàn khác.

Trên bảng xếp hạng IWF, ở hạng cân 59 kg nữ, Hoàng Thị Duyên đang xếp thứ 7. Tuy vậy, nếu chiếu theo danh sách để chọn suất tham dự Olympic, đô cử quê Lào Cai vươn lên vị trí thứ 5 bởi Trung Quốc chỉ chọn một trong hai VĐV, hoặc là Chen Guiming (thứ 3) hoặc là Li Yajun (thứ 4).



Ngoài ra, VĐV đang xếp thứ 2 của Triều Tiên là Choe Hyo Sim chắc chắn không tham dự. Ngoài ra, thành tích giành 2 HCĐ tại giải châu Á vừa qua còn giúp Duyên tích lũy thêm điểm số nhằm khẳng định vị trí chắc chắn trong Tốp 8.

Ở hạng 49 kg nữ, Vương Thị Huyền xếp thứ 12 nhưng nếu chiếu theo danh sách chọn suất dự Olympic 2020, cô gái sinh năm 1992 này tạm đứng thứ 8. Bởi có đến 3 VĐV Trung Quốc xếp thứ hạng cao hơn; lần lượt là Hou Zhihui (thứ 1), Jiang Huihua (thứ 2), Zhang Rong (thứ 5). Mỹ góp mặt hai đại diện là Elizabeth (thứ 6) và Morghan Whitney (thứ 11). Ngoài ra, VĐV Triều Tiên Ri Song Gum (thứ 3) sẽ không tham dự.



Trong khi đó, dù thi đấu không thành công tại Uzbekistan, song Thạch Kim Tuấn khó bị đánh bật khỏi Tốp 8 hạng cân 61 kg nam. Theo bảng xếp hạng mới nhất từ IWF, đô cử Việt Nam hiện xếp thứ 5.

Trong nhóm 4 VĐV đứng đầu, Trung Quốc góp mặt hai đại diện là Li Fabin (thứ 1) và Qin Fulin (thứ 3). Ngoài ra, từ đến khi Olympic 2020 khởi tranh, vẫn còn hai giải đấu để các VĐV tích lũy điểm số là giải vô địch châu Mỹ diễn ra ở Santo Domingo (CH Dominica) từ 30/4 – 2/5 và giải vô địch châu Phi diễn ra ở Antananarivo (Madagascar) từ 16 – 22/5.

Thạch Kim Tuấn nằm trong tốp VĐV đủ điểm đến Nhật Bản mùa hè 2021.



Ám ảnh “bóng ma” doping

Tính đến giữa tháng 4/2021, thể thao Việt Nam mới có 5 VĐV giành vé đến Nhật Bản, gồm: Nguyễn Văn Đương (boxing), Lê Thanh Tùng (TDDC), Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung).

Trong khi đó, mục tiêu của thể thao Việt Nam đặt ra là 20 suất và nỗ lực có… huy chương. Vậy nên, thành công của Hoàng Thị Duyên, Thạch Kim Tuấn và Vương Thị Huyền rộng cửa đến Olympic khiến cho ngành thể thao vơi bớt nỗi lo.

Mặc dù vậy, cử tạ Việt Nam đang đối mặt với án phạt từ IWF sau những vi phạm về doping. Hai đô cử Việt Nam bị cấm là Nguyễn Thị Thu Trang, 17 tuổi, từng giành HCV giải vô địch trẻ thế giới hạng 45 kg nữ vào năm ngoái và đang giữ danh hiệu này khi sự kiện năm 2020 bị hủy bỏ vì đại dịch Covid-19, và Bùi Đình Sáng (18 tuổi). Đình Sáng từng đoạt HCV hạng 61 kg tại giải vô địch trẻ thế giới 2019 tại Mỹ.



Cả hai đô cử trẻ của Việt Nam đều dương tính với oxandrolone trong các cuộc kiểm tra ngoài giải đấu và đã bị đình chỉ trong 4 năm kể từ tháng 1/2020. Cả 2 đô cử trẻ được nhân viên của Tổ chức Phòng chống doping quốc tế (WADA) đến Việt Nam lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên và kết quả đều dương tính với chất cấm.

Trước đó, năm 2019, hai VĐV cử tạ khác của Việt Nam bị đình chỉ là Trịnh Văn Vinh và Nguyễn Thị Phương Thanh. Tháng 11/2018, bộ phận đặc trách của IWF đã trực tiếp sang Việt Nam, không thông báo trước về thời gian cụ thể, rồi yêu cầu lấy mẫu của nhà Á quân ASIAD Văn Vinh và tài năng trẻ Phương Thanh.



Khi đó, cả Vinh và Thanh đều không tập huấn đội tuyển quốc gia mà trở về địa phương để chuẩn bị dự tranh Đại hội thể thao toàn quốc.

Theo quy định của IWF, bất kỳ quốc gia nào vi phạm doping từ 3 lần trở lên trong thời gian diễn ra vòng loại Olympic, bắt đầu vào tháng 11/2018, đều có thể bị mất số lượng hạn ngạch hoặc bị cấm tham dự.

Từ tháng 2/2019 đến nay, cử tạ Việt Nam có đến 4 VĐV bị cấm thi đấu vì sử dụng doping. Với tình cảnh hiện tại, cử tạ Việt Nam âu lo chờ đợi phán quyết từ phía IWF.

Theo ông Đỗ Đình Kháng, có hai khả năng xảy ra: “Ủy ban Olympic quốc tế và IWF sẽ thành lập một ban để xét về các trường hợp dính doping. Đối với Việt Nam, có hai khả năng xảy ra: Hoặc là không cho tham gia Olympic hoặc là xét giảm số lượng VĐV tham dự.



Chẳng hạn nếu cả ba VĐV đều giành vé tham dự thì chỉ có 1. Và việc chọn VĐV nào là quyền ở quốc gia đó”. Dự kiến, trong tháng 5 sẽ có quyết định từ phía IWF và “nếu được xét duyệt một VĐV tham dự Olympic 2020 sắp tới là tốt với cử tạ Việt Nam lắm rồi” – theo ông Kháng.

Hoàng Thị Duyên giành 2 HCĐ tại giải vô địch châu Á 2021.

Thiếu chế tài đủ mạnh

“Thật tiếc và đáng trách khi 3/4 trường hợp VĐV Việt Nam dính doping do kiểm tra ngẫu nhiên tại Việt Nam. Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các HLV, VĐV tuân thủ việc phòng chống doping, ngay cả thời gian không thi đấu, tiếc là vẫn có tư tưởng xem nhẹ việc quan trọng này.



Cũng có khó khăn là chúng ta chưa kiểm tra doping ở các giải trong nước do chi phí đắt đỏ, điều kiện chưa cho phép, dẫn đến chưa kiểm soát được ngay từ trong nước”, ông Kháng chia sẻ.

Liên quan đến những bê bối doping của thể thao Việt Nam, ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) cho biết: “Nguyên nhân dính doping của VĐV nói chung trên thế giới, không riêng gì ở Việt Nam thông thường theo đường chủ quan, và khách quan.

Thứ nhất, VĐV sử dụng các nguồn thực phẩm có quá nhiều chất kích thích mà không biết, hoặc đồ uống có chứa chất cấm… Nguồn thứ hai là do sử dụng thuốc chữa bệnh thông thường như cảm cúm hay các loại thuốc có chứa chất giảm đau thiếu hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Cuối cùng là HLV, VĐV cố ý sử dụng các loại thuốc tăng trưởng cơ bắp trong giai đoạn thi đấu… và các loại này đều nằm trong danh mục cấm của WADA”.



Trong khi đó, ông Kháng cho biết thêm: WADA thường lấy mẫu ngẫu nhiên, bất ngờ vào thời điểm VĐV không chuẩn bị cho giải đấu quốc tế quan trọng nào để tránh việc dùng thuốc cấm có thể bị “tẩy” khi vào giải. Trong quá trình tập luyện, các VĐV có ý đồ gian dối sẽ dùng doping để tăng cường sức mạnh cơ bắp, hạn chế chấn thương.

Lý do thường được các VĐV, HLV lý giải là vô tình uống phải thuốc có chứa chất cấm. Nhưng đó chỉ là sự bao biện cho hành động gian dối trong thể thao. Hiện, Tổng cục TDTT, Liên đoàn Cử tạ – Thể hình Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý để xử lý kỷ luật các VĐV, HLV, địa phương xảy ra chuyện này.



Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất trong cuộc chiến chống doping của ngành thể thao còn là bài toán kinh phí. Chúng ta có Trung tâm Doping và Y học thể thao (trực thuộc Tổng cục TDTT), song kinh phí không đủ để kiểm tra hết hàng nghìn VĐV, nên chỉ chọn ngẫu nhiên các VĐV đạt thành tích cao.

Kinh phí để xét nghiệm trung bình khoảng 120 USD đến 150 USD/mẫu và phải gửi ra nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Cu Ba… Ngành thể thao cũng không đủ nguồn nhân lực để thực hiện việc kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm cho hàng nghìn VĐV theo quy chuẩn quốc tế.

Tòa án Thể thao quốc tế (CAS) đã bác bỏ kháng án của cử tạ Thái Lan vì bê bối doing. Theo đó, cử tạ Thái Lan vẫn bị đình chỉ thi đấu đến ngày 1/4/2023, trong đó bị cấm tham dự Olympic Tokyo 2020. IWF hoan nghênh quyết định của CAS về việc giữ nguyên án kỷ luật của Liên đoàn Cử tạ nghiệp dư Thái Lan (TAWA).



Trước đó, một VĐV cử tạ Thái Lan tại Thế vận hội Olympic trẻ Buenos Aires 2018 đã được xét nghiệm dương tính với testosterone ngoại sinh. 9 VĐV khác cũng dương tính với chất cấm này ở giải vô địch cử tạ thế giới vào tháng 11/2018. 20 mẫu thử nghiệm được lấy ở một trại huấn luyện vào tháng 10/2018. Kết quả chỉ ra có ít nhất 15 mẫu có phân tích bất lợi cho cử tạ Thái Lan. Sau vụ phanh phui về doping, từ tháng 3/2019 đến nay, cử tạ Thái Lan rút khỏi tất cả các giải đấu.